UBND XÃ ĐỨC LONG
BCĐ PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ
|
BÀI TUYÊN TRUYỀN
VỀ TÁC HẠI CỦA VIỆC
HÚT THUỐC LÁ
|
Kính thưa toàn thể nhân dân!
Hút thuốc lá là một thói quen lâu đời trong cuộc sống
của chúng ta. Từ xưa chúng ta đã xem “điếu thuốc, miếng trầu là đầu câu
chuyện”, nên việc hút thuốc lá cũng phổ biến lan tràn từ các cuộc trò chuyện
thông thường cho đến cúng giỗ, hỏi cưới, các cuộc tiệc tùng và trong các
công sở.
Khi hút thuốc lá, hoặc sống chung với người hút thuốc,
khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và
nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp gây tổn
thương trong lòng mạch máu. Vì vậy người hút thuốc lá dễ bị các bệnh như: rụng
tóc, đục thủy tinh thể, da nhăn, giảm thính lực, sâu răng, ung thư da, bệnh
phổi tắc nghẽn mạn tính, loãng xương, bệnh tim mạch, vàng móng tay, ung thư cổ
tử cung, tinh trùng biến dạng, bệnh vảy nến, viêm tắc mạch máu, ung thư phổi và
các cơ quan khác như: mũi, miệng, lưỡi, tuyến nước bọt, họng, thanh quản, thực
quản, thận, tụy v.v.
Ngoài ra hút thuốc lá còn làm giảm số lượng và chất
lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh ở nam giới; tăng nguy cơ ung thư tử cung,
rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú, đối với phụ nữ; dễ bị còi xương, trí tuệ chậm
phát triển, suy dinh dưỡng đối với trẻ em.
Khi hút thuốc lá, khói thuốc qua phổi ngấm vào máu,
tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh sau:
- Bệnh tim
mạch: chiếm hàng đầu trong các
bệnh do khói thuốc: tạo ra mảng xơ vữa, tổn thương lòng mạch, gây viêm tắc mạch
máu, gây đau nhức chân tay, nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, giảm trí nhớ, giảm
trí thông minh và khả năng học tập...
- Bệnh ung
thư: Chủ yếu là ung thư phế quản
phổi (chiếm 90%), ung thư vòm họng, miệng, thực quản (hút thuốc kèm theo uống
rượu, nguy cơ ung thư vòm họng rất cao), ung thư ruột... Ở người hút thuốc,
bệnh ung thư dễ phát triển hơn so với người không hút thuốc.
- Bệnh hô
hấp: Bệnh phổi mãn tính, tắc
nghẽn thông khí, viêm phế quản mãn tính. Đặc biệt ở người hút thuốc còn gây ô
nhiễm không khí và ảnh hưởng tới môi trường, những người xung quanh hít phải
cũng bị nhiễm độc, nguy hiểm nhất là đối với các cháu nhỏ.
- Bệnh răng
và lợi: Viêm loét, cao răng, các
mảng bám vào răng làm cho răng dễ bị lung mủ, dễ rụng tự nhiên hơn.
- Các bệnh
khác: Tăng nguy cơ loãng xương
gây đau nhức thân thể, khó ngủ và giảm thể lực cơ thể do thiếu ôxy mãn tính.
- Đối với nam
giới: Giảm số lượng và chất
lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh.
- Đối với phụ
nữ và bào thai: Tăng nguy cơ ung
thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú, dị dạng thai nhi. Nguy cơ bị
thiếu cân sẽ cao gấp 2 lần so với người không hút thuốc.
- Đối với trẻ
em: Dễ bị còi xương, trí tuệ
chậm phát triển, suy dinh dưỡng do bị giảm tiết sữa ở người mẹ.
Lợi ích đối với sức khoẻ khi bỏ thuốc lá: Cơ thể
sẽ không còn tích luỹ chất độc, loại từ nguyên nhân và điều kiện gây các bệnh
đã nêu trên. Nếu bỏ thuốc trước tuổi 50 sẽ giảm được 50% nguy cơ chết trước 65
tuổi, giảm 50% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch sau khi bỏ thuốc được 1 năm,
giảm 50% nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi sau khi bỏ thuốc 10 năm.
Ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ. Khói
thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có 70 chất gây ung thư, dẫn đến
nhiều căn bệnh nguy hiểm khác nhau như ung thư phổi, bệnh tim mạch, bệnh phổi
tắc nghẽn, vô sinh.... Thuốc lá đang xâm chiếm và từng bước làm nguy hại
nghiêm trọng đến sức khỏe cho chính người sử dụng nó và cho ngay cả những
người xung quanh hàng ngày hít phải khói thuốc lá. Thuốc lá gây ô nhiễm môi
trường sống, làm giảm chất lượng học tập và hiệu quả làm việc, bào mòn sự
thông minh, sáng tạo của thế hệ trẻ và tất nhiên sẽ làm mất dần chất xám
của dân tộc Việt Nam. Vì vậy cần tích cực tuyên truyền, giáo dục về tác hại
thuốc lá tới toàn thể cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân để mọi người nhận
thức được tác hại của việc hút thuốc lá. Mỗi người cần phải gương mẫu chấp hành
nghiêm những quy định về không hút thuốc lá, bên cạnh đó là một tuyên truyền
viên về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến bạn bè, người thân của mình./.